HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Quan hệ Việt Mỹ sẽ về đâu?

Ngày 15/9, tại cuộc hội thảo về quan hệ Mỹ – Việt tổ chức tại thủ đo Oasinhtơn, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc khoa Chính trị học của Đại học George Mason đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ – Việt. Dưới đây là phần trích dịch (*) nói về các nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Việt trong tương lai:

Nhìn về phía trước, tương lai của quan hệ Mỹ – Việt phụ thuộc vào một số nhân tố: nhân tố Trung Quốc, tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong cách nhìn nhận của Mỹ, khả năng và ý đồ của Mỹ trong cách nhìn nhận của Việt Nam, nhân tố giá trị, và quan hệ giữa Việt Nam với người Mỹ gốc Việt.

Nhân tố Trung Quốc

Vì những lý do chiến lược, Trung Quốc không muốn chứng kiến một quan hệ liên minh gần gũi giữa Việt Nam và Mỹ hình thành ngay sát biên giới phía Nam của mình. Cả Mỹ và Việt Nam đều không muốn gây hấn với Trung Quốc một cách không cần thiết. Là siêu cường đang ngự trị, Mỹ có nhiều lựa chọn hơn Việt Nam. Nếu quan hệ tốt với Trung Quốc là điều mong muốn của Mỹ, thì với Việt Nam đó là điều cần thiết. Là một nước nhỏ nằm cạnh một người láng giềng khổng lồ với một lịch sử quan hệ phức tạp, trong các quan hệ với Mỹ, Việt Nam phải thực hiện những lựa chọn khó khăn giữa một bên là sự cần thiết phải có mối quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc, một bên là sự cấp thiết phải khẳng định quyền chủ quyền trong việc theo đuổi các mối quan hệ ngoại giao với các nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Nếu sự cần thiết phải chú ý đến mối quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc có thể trở thành vật cản hoặc làm chậm lại tiến trình xây dựng lại quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng/an ninh, thì những đòi hỏi quá đáng và thái độ hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài năm gần đây đã dẫn đến sự hội tụ các lợi ích an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Cả hai nước đều lo ngại về chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc làm tăng khả năng áp đặt ý chí của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Các xung đột về lãnh thổ cả trên biển lẫn trên đất liện giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích của Biển Đông đã chồng lên cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và việc nước này bắt giữ, ngược đãi ngư dân Việt Nam đã buộc Việt Nam phải phản ứng. Chính phủ Việt Nam đã cố gắng quốc tế hóa vấn đề, mua vũ khí mới để tăng cường khả năng quốc phòng, và phát động một chiến dịch củng cố quyết tâm của quân đội để bảo vệ “từng tấc đất, tấc biển của quốc gia”.

Đối với Mỹ, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là quá đáng và không tuân theo luật quốc tế. Mỹ “không chia sẻ và không thể hiểu cách diễn giải của Trung Quốc về luật biển”. Mỹ phản đối việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ hoạt động trên vùng biển này. Nếu Trung Quốc có khả năng thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình, Biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc, ngăn cản tự do hàng hải. Những tuyên bố chủ quyền này là không thể chấp nhận đối với một cường quốc biển toàn cầu như Mỹ.

Thái độ của Trung Quốc, vì thế, đã dẫn đến một sự hội tụ những lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam và sự cải thiện trong hợp tác quân sự giữa hai nước. Những gì diễn ra tiếp theo sẽ tùy thuộc vào việc mỗi nước đánh giá như thế nào về khả năng và ý định của nước kia.

Việt Nam nhìn từ góc độ chiến lược của Mỹ

Sau Chiến tranh Việt Nam, và đặc biệt sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, Mỹ coi Việt Nam là một công cụ cho chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Mỹ đứng cùng phía với Trung Quốc và ASEAN chống lại Việt Nam ở Campuchia. Tuy nhiên, khi Việt Nam cải cách kinh tế, thay đổi chính sách đối ngoại, và tăng cường hội nhập vào ASEAN, và đặc biệt từ khi bình thướng hóa quan hệ hai nước, cách nhìn của Mỹ với Việt Nam đã thay đổi.

Trong tam giác Mỹ – Việt – Trung, Mỹ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều với Việt Nam. Dù Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc để đối phó với một số vấn đề quan trọng toàn cầu, như chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, chống hiện tượng nóng lên toàn cầu, vv, Mỹ vẫn coi Trung Quốc là một đối thủ tiềm tàng. Trong khi Trung Quốc có thể trở thành một mối đe dọa đối với Mỹ. Không chỉ không có xung đột chiến lược giữa Mỹ với Việt Nam, mà trong cách nhìn của Mỹ, Việt Nam là một lực lượng quan trọng đóng góp vào trật tự an ninh đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kinh tế, Năng lượng và các vấn đề Văn hóa đã coi việc củng cố mối quan hệ với Việt Nam là “một trụ cột trong sự hiện diện của chúng ta ở khu vực (Thái Bình Dương) và sự tham gia của chúng ta trong các thể chế đa phương ở châu Á – Thái Bình Dương”. Quan điểm tích cực này về Việt Nam đã khuyến khích Mỹ thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước. Cho đến nay, mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam từ phía Mỹ biến đổi tỉ lệ nghịch với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc và tỉ lệ thuận với quyết tâm và khả năng của Việt Nam trong việc đóng một vai trò độc lập ở châu Á.

Những thù địch trong quá khứ xuất phát từ hai cuộc chiến tranh – Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Campuchia – và nhận thức của Việt Nam về những nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu đã khiến các nhà lãnh đạo của Việt Nam nghi ngờ rằng Mỹ muốn lật đổ các chế độ cộng sản còn lại, trong đó có Việt Nam. Các nghị quyết của Đảng, phân tích trên báo chí và các tuyên bố chính thức vẫn tiếp tục nhắc đến nguy cơ “diễn biến hòa bình” và những âm mưu “lợi dụng tự do dân chủ” của “các thế lực thù địch” nhằm lật đổ chế độ.

Chính phủ Việt Nam coi việc Mỹ thúc đẩy dân chủ và sức ép đối với vấn đề nhân quyền như một công cụ làm tổn hại đến chế độ cộng sản. Lo ngại này có thể giải thích được nhưng không nhất thiết phản ánh lợi ích chiến lược của Mỹ. Mỹ muốn thấy một Việt Nam vững mạnh, ổn định và độc lập. Một sự thay đổi chính quyền bằng bạo lực ở Việt Nam không mang lại lợi ích chiến lược nào cho Mỹ, vì nó sẽ tạo khoảng trống mà rất có thể các lực lượng thù địch với Mỹ sẽ lấp vào.

Khi Việt Nam tiến gần hơn với Mỹ, Việt Nam cũng phải lo ngại về khả năng sẽ trở thành con tốt thí trên bàn cờ chính trị của các nước lớn, giống như trường hợp của Bắc Việt Nam năm 1945 và Nam Việt Nam năm 1973. Khi nào sự thiếu tin tưởng và thiếu chắc chắn này về cam kết của Mỹ vẫn còn, quan hệ Mỹ – Việt sẽ không đạt được đến mức độ như quan hệ giữa Mỹ với nhiều đối tác châu Á khác.

Nhân tố giá trị

Giữa các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau hoặc đối lập nhau vẫn có thể có sự hợp tác cùng có lợi, thậm chí là liên minh tạm thời, nhưng để có một mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài là điều không thể. Vì sự khác nhau giữa các hệ thống giá trị giữa Mỹ và Việt Nam, vấn đề nhân quyền đã tác động và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đường hướng trong mối quan hệ Mỹ – Việt. Nó có thể kéo hai quốc gia lại gần nhau, cũng có thể tạo ra xung đột.

Vấn đề nhân quyền chiếm một vị trí quan trọng trong quan hệ Mỹ – Việt vì nhiều lý do. Thứ nhất, nó là niềm tin cốt lõi của người Mỹ. Thứ hai, tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của Việt Nam đối với Mỹ chưa đến mức có thể lấn át những quan tâm về nhân quyền. Thượng nghị sĩ McCain, một cựu chiến binh Việt Nam và là người ủng hộ mạnh mẽ quan hệ Mỹ – Việt, hồi tháng Bảy vừa qua đã nói rằng “quan hệ đối tác hiện nay của chúng ta trên các mối quan tâm chung cuối cùng sẽ trở thành một quan hệ đối tác trên các giá trị chung”. Thứ ba, dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền là xu hướng nổi trội trong thời đại của chúng ta; bản thân Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng một “nước giàu mạnh và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Không có sự khác biệt nào, về nguyên tắc, trong ước nguyện cao nhất của nhân dân hai nước, chỉ có sự khác biệt trong cách diễn giải. Cuối cùng, mối quan tâm về nhân quyền được thể chế hóa trong chính trị Mỹ. Quốc hội đã lập ra Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ. Bộ Ngoại giao có chức Trợ lý Ngoại trưởng về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Báo cáo hàng năm về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ là trách nhiệm do Quốc hội giao. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc cung cấp phần của họ trong báo cáo hàng năm và phải làm việc hết sức với chính quyền Việt Nam để thể hiện sự tiến bộ trong vấn đề.

Sự cải thiện hơn nữa trong quan hệ Mỹ – Việt phụ thuộc vào vấn đề nhân quyền được giải quyết như thế nào từ cả hai phía, và quan trọng hơn là sáng kiến của chính Việt Nam về cải cách chính trị.

Quan hệ giữa Việt Nam với người Mỹ gốc Việt

Người Mỹ gốc Việt có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với quan hệ Mỹ – Việt. Tuy nhiên, nó phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt tại Mỹ với Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam hướng đến cộng đồng người Việt tại Mỹ như một nguồn tài chính (tiền gửi về nước và du lịch), tiềm năng về chuyên gia, và muốn họ trở thành một lực lượng vận động hành lang cho Việt Nam ở Mỹ.

Sự nổi lên của một thế hệ mới người Việt, cả ở trong nước lẫn nước ngoài, không mang theo những hệ quả của chiến tranh, sự kết nối và giao lưu giữa người Mỹ gốc Việt và người Việt Nam ở trong nước, cũng như những người đang học tập tại Mỹ (trong đó có các quan chức chính phủ) sẽ mang lại sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, thu hẹp khoảng cách về nhận thức giữa họ, và thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam. Có thể cho rằng sự chỉ trích mang tính xây dựng đối với những vi phạm về nhân quyền có thể có một tác động tích cực. Nhân quyền phản ánh các giá trị và mối quan tâm của nước Mỹ, đưa chính quyền và nhân dân hai nước lại gần nhau trong các giá trị chính trị; và sự tương thích về chính trị là một cơ sở vững chắc cho mối quan hệ ổn định và hữu nghị.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực để vươn tới người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ỏ Mỹ, thông qua chính sách “hòa hợp dân tộc”. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ban hành ngày 26/3/2004 coi người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Đã có những bước đi được thực hiện để người Việt Nam ở nước ngoài dễ dàng hơn trong việc mua nhà ở Việt Nam, về thăm đất nước, hoặc làm việc ở đó. Đó là những bước đi nhỏ phản ánh những đặc quyền mà chính phủ đưa ra cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng đã không giải quyết được nhu cầu hòa hợp thực sự dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Trên thực tế, mỗi gia đình ở Nam Việt Nam có ít nhất một thành viên trong quân đội và/hoặc trong chính quyền. Nhiều gia đình có thành viên ở cả hai phía trong cuộc xung đột. Không ai muốn cha mẹ mình bị coi là “phản bội” đất nước. Thượng nghị sĩ Webb trong bài phát biểu tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ tổ chức tại Hà Nội tháng Bảy vừa qua đã nhắc nhở cử tọa rằng một điều quan trọng là thừa nhận rằng “có những quan điểm mạnh mẽ đã trở thành xung đột rất nghiêm trọng với những quan điểm mạnh mẽ khác, cả ở đây, tại Việt Nam, lẫn ở nước ngoài” và “chúng ta phải tôn trọng sự thật rằng có rất nhiều quan điểm đa dạng mà những người có thiện chí tin tưởng một cách chân thành”.

Trong 5 năm qua đã xuất hiện những lời kêu gọi, chủ yếu từ các cựu quan chức trong chính phủ, rằng phải hiểu và tôn trọng những người bại trận.

Năm 2005, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kêu gọi phải có “thái độ mới”, nhắc nhở mọi người rằng những vết thương của chiến tranh là “của toàn dân tộc”, “lịch sử đã khiến nhiều gia đình ở miền Nam có người thân yêu ở cả hai phía của cuộc xung đột”, và cho rằng đất nước nên “thắp một nén nhang” để cầu nguyện cho linh hồn của tất cả những người lính – Bắc và Nam – vì họ đều là “con của Mẹ Việt Nam”.

Năm năm sau, 2010, một vị tướng của miền Bắc, Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với báo Người Việt (30/8/2010) tuyên bố rằng “Máu của những chiến sĩ này (những người lính Nam Việt Nam trong trận chiến hải quân chống lại Trung Quốc ở Hoàng Sa năm 1974) đổ ra là đổ cho tổ quốc, phải tuyên dương, phải xem họ ngang với tất cả liệt sĩ của Quân độ Nhân dân Việt Nam”.

Chính phủ Việt Nam đã có hai quyết định đầy khích lệ. Một là ủng hộ và tạo điều kiện cho dự án “Returning War Casualties” (đưa những người chết trong chiến tranh trở về) của MIA/POW (quân nhân mất tích khi làm nhiệm vụ/tù nhân chiến tranh) muốn tìm kiếm và chôn cất lại hài cốt của những người đã chết trong các trại cải tạo. Hai là dời các đơn vị quân đội khỏi nghĩa trang Bình An, trước đây là nơi chôn cất những người lính của Lực lượng Vũ trang Việt Nam Cộng hòa, giống như Nghĩa trang Arlington của Mỹ. Người Việt Nam ở hải ngoại và ở Mỹ đang theo dõi xem nghĩa trang này sẽ di dời lấy chỗ kinh doanh, giữ nguyên hiện trạng, hay được bảo tồn thành một di tích lịch sử để mở đầu cho tiến trình hàn gắn. Hai vấn đề trên, nếu được xử lý một cách đúng đắn, sẽ giúp xây dựng nền tảng cho quan hệ tốt hơn giữa Việt Nam và người Mỹ gốc Việt.

Hòa hợp dân tộc giữa những người Việt Nam là một trách nhiệm lịch sử và có thể có tác động chính trị to lớn. Nó có thể biến những người chống đối trong cộng đồng người Việt Nam hải ngoại thành các nhóm vận động hành lang đầy thế lực phục vụ cho Việt Nam ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, và tất nhiên sẽ củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam. **


Bài được lược bỏ phần đầu. Mời xem toàn văn trên báo Người Việt.

Phần sau có nhiều câu, đoạn được dịch khác với bản dịch trên báo Người Việt. Ví dụ: - Mỹ có nhiều lựa chọn hơn Việt Nam” (TTXVN), “Hoa Kỳ có nhiều chọn lựa hơn là chỉ một mình Việt Nam” (NV). – “Bên cạnh đó, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và việc nước này bắt giữ, ngược đãi ngư dân Việt Nam đã buộc Việt Nam phải phản ứng (TTXVN); Thêm vào đó, việc Trung Quốc đơn phương cấm các hoạt động đánh cá đã buộc Việt Nam phải đáp ứng (NV). – “và đặc biệt sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia” (TTXVN); “và nhất là sau cuộc xâm lược Căm Bốt của Việt Nam” (NV). - Hai đoạn này khác hẳn nhau: “Có thể cho rằng sự chỉ trích mang tính xây dựng đối với những vi phạm về nhân quyền có thể có một tác động tích cực. Nhân quyền phản ánh các giá trị và mối quan tâm của nước Mỹ, đưa chính quyền và nhân dân hai nước lại gần nhau trong các giá trị chính trị; và sự tương thích về chính trị là một cơ sở vững chắc cho mối quan hệ ổn định và hữu nghị” (TTXVN); “Nhìn vấn đề này từ một góc độ khác, người ta có thể lập luận rằng những chỉ trích mang tính xây dựng về những vụ vi phạm nhân quyền có thể dẫn tới hậu quả tốt đẹp. Thứ nhất, những người ủng hộ nhân quyền phản ảnh giá trị và quyền lợi của Hoa Kỳ. Thứ nhì, việc cải thiện nhân quyền không những là điều mong muốn của dân chúng Việt Nam mà còn có khả năng đưa hai quốc gia và hai dân tộc lại gần với các giá trị chính trị; và sự tương hợp về chính trị là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ bền vững và thân thiện.”” và “chúng ta phải tôn trọng sự thật rằng có rất nhiều quan điểm đa dạng mà những người có thiện chí tin tưởng một cách chân thành” (TTXVN); “và ông gợi ý rằng “chúng ta phải tôn trọng sự thể rằng nhiều ý kiến khác biệt nhau đã do nhiều nhân vật đứng đắn của cả hai bên đưa ra” (NV). (NV); -

Đoạn bị TTXVN lược bỏ: + “Thứ ba, nhiều người Mỹ từng chiến đấu trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam mong muốn thấy có tiến bộ trong nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam đặng những hy sinh của họ cũng như của các đồng đội đã ngã xuống không phải là vô ích.” + Nhưng các nỗ lực có tổ chức của các nhóm người Mỹ gốc Việt nhằm nêu bật các vi phạm nhân quyền và đẩy mạnh dân chủ tại Việt Nam đã tạo cho Việt Nam một bộ mặt xấu xa và tạo căng thẳng trong mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

(TTXVN)

Không có nhận xét nào: