Lớp học tiếng Nhật ngoài giảng đường
SGTT - Sáng nào cũng vậy, cứ tầm 5h sáng, người dân xóm lao động miệt quận 7 (TP.HCM) lại thấy cô giáo người Nhật ấy dậy sớm tự làm món ăn sáng rồi vội vàng đón xe đến trường. Bữa ăn sáng của cô có hôm là mì gói, có hôm là cháo ăn liền, đôi khi chỉ là vài miếng bánh sandwich. Do bị tật ở chân nên cô giáo thường đón xe ôm. Nhưng dạo này “khủng hoảng kinh tế”, để tiết kiệm chi phí, cô chuyển sang đi xe buýt vé tháng. Cũng vì thế mà cô về nhà muộn hơn, có khi đến 10h30 tối mới về tới nhà trọ.
![]() |
Ảnh: Thế Ngọc |
Không phải là một giáo viên chính quy tại trường, nhưng ở đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ai cũng biết cô giáo Michiko. Lớp học của cô là một góc nơi dãy nhà C trong khuôn viên trường, không bảng đen, không phấn trắng. Dụng cụ dạy học là một chiếc máy cassette cũ, mấy cuốn ngữ pháp văn phạm, và vài tờ báo tiếng Nhật. Học trò của cô cũng khá đông, từ sáng đến tối đều có người đến học. Người tìm đến cô qua lời giới thiệu của bạn bè, người tình cờ gặp trong một lần đến học tại gian phòng chung này, có người đi làm, người đang đi học… Mọi người cùng ngồi xoay quanh một chiếc bàn nhỏ.
Bố cô Michiko vốn là giám đốc một công ty kiến trúc ở Nhật. Từ sau khi công ty ông phá sản, cả gia đình Michiko lâm vào cảnh khó khăn. Nhắc về kỷ niệm tuổi thơ, điều in sâu trong tâm trí cô nhất đó là: “Lúc nhỏ, nhà không còn cái ăn. Vì đói quá, tôi gặm ngón tay…” Năm 19 tuổi, trong một lần tai nạn xe, cô may mắn thoát chết nhưng để lại di chứng ở chân. Chân bị tật từ đó, thêm phần vẹo sống lưng do thiếu dinh dưỡng từ nhỏ, việc đi lại của cô trở nên vô vàn khó khăn. Sau khi mẹ qua đời, chị gái lấy chồng cũng không có tin tức gì, cô một mình bươn chải kiếm sống.
Lần đầu cô Michiko biết đến Việt Nam khi 21 tuổi, trong một chuyến du lịch cùng bạn. Ấn tượng ban đầu về Việt Nam trong cô lại không mấy tốt vì bị một người đạp xích lô lừa. Sau ngày hôm đó, tôi thực sự không mấy thiện cảm về Việt Nam”. Thế nhưng, đến ngày thứ tư, ngày cuối cùng ở Việt Nam, suy nghĩ của cô dần thay đổi bắt đầu từ câu chuyện của một cô bé bán hoa.
Cô kể: “Hôm đó, tôi đang ngồi ăn tại một quán ăn nhỏ ở Hội An. Có một cô bé đến chỗ tôi mời mua hoa. Trong túi tôi khi đó không còn nhiều tiền nên cũng không thể mua giúp. Hôm ấy, tôi ngồi lại quán hơi lâu. Khi đã muộn, khách dần về hết, chỉ còn lại tôi và cô bé. Lúc đó, chúng tôi mới bắt đầu trò chuyện. Tôi được biết cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải tự mình kiếm sống nhờ vào vài đồng bán hoa ít ỏi. Cô bé thật thà, chịu khó và rất đáng thương, lại nói tiếng Anh rất giỏi. Mến em, tôi cũng bắt đầu có những thay đổi trong suy nghĩ về người Việt. Vì thế mà tôi quyết định quay trở lại Việt Nam lần nữa”. Sau lần gặp mặt ấy, cô Michiko về lại quán ăn trước mong tìm gặp lại cô bé. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy, cô đã nhờ chủ quán chuyển một ít đồ chơi khi em quay lại.
Từ một câu chuyện bên đường ấy, Michiko đã trở lại và sống ở Việt Nam hơn 10 năm. “Đến Việt Nam, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mọi người rất yêu thích tiếng Nhật. Lúc đó tôi đã nghĩ tại sao mình không ở lại và đi dạy tiếng Nhật cho người Việt? Công việc của tôi biết đâu sẽ có ích hơn với nhiều người! Ở Việt Nam, tôi có điều kiện sống thoải mái hơn ở Nhật, và quan trọng nhất, chính tình người nơi đây đã giữ chân tôi…” Tuỳ theo khả năng từng người mà học phí cô chỉ nhận từ 100.000đ/tháng đến 150.000đ/tháng. Đối với những sinh viên kinh tế khó khăn, cô không nhận tiền đóng học phí. “Với tôi, sự tiến bộ của các em mới là thù lao lớn nhất”.
Thương cô giáo tật nguyền, lại sống một mình, học trò thường hay đem biếu tặng cô những món quà nhỏ. Có khi là gói trà, cái áo, đôi lúc chỉ là một ít trái cây. Tiền học cô kiếm chẳng là bao, mỗi tháng được khoảng 3 triệu đồng. Đóng tiền nhà hết 1 triệu, còn lại lo chi tiêu hàng ngày cũng hết. Nhiều lúc muốn về thăm quê, cô lại phải ráng tằn tiện hơn. Vài năm, cô Michiko lại về thăm quê hương một lần. Để tiết kiệm, cô đi từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng xe đò, sau đó chuyển sang tàu lửa liên vận sang Trung Quốc và từ đó về Nhật bằng tàu thuỷ, tổng chi phí chỉ mất khoảng 5 triệu đồng, vì nếu đi máy bay phải mất đến 15 triệu…
Trong căn phòng nhỏ rộng chưa đầy 10m2 của mình, cô Michiko vẫn dành ra một góc kệ đặt trang trọng những tấm hình chụp với học trò Việt Nam cùng những món quà trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Mỗi lần kể cho tôi nghe về món đồ kỷ niệm nào đó do học trò tặng, mắt cô lại long lanh niềm hạnh phúc…
(THANH BÌNH)
2 nhận xét:
Có thể cách tư duy của những bè bạn quốc tế (hổng phải người Việt) khác với chúng ta, nhưng những người như chị nhà giáo nầy cũng như cô Tim, đều đến với dân ta bằng một tấm lòng rộng mở, nhân ái. Có nhiều người Việt sẽ phải xấu hổ khi đọc những bài như thế nầy, lẽ ra những công việc nầy là của họ, của bè bạn họ.
Cần phải biết xấu hổ.Cách GD ở VN đang có nhiều vấn đề.
Đăng nhận xét