HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Đối nội hay đối ngoại?

Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến?

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.

Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ

Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc".

Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở biển Đông. Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.

Ảnh: Telegraph.co.uk
Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

Mâu thuẫn giữa đa cực và liên kết với Mỹ

Một giải pháp quan trọng của sức mạnh Mỹ trong bối cảnh kinh tế và chiến lược ngăn cản hiện nay sẽ là khả năng Washington làm đối trọng hoặc ngăn chặn Trung Quốc thông qua những liên kết bên ngoài. Chúng ta phải đề phòng điều này thông qua các quan hệ đối tác chiến lược với nước thứ ba, các thỏa thuận thương mại tự do và các hợp tác kinh tế, tối ưu hóa các diễn đàn đa phương, cương quyết phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ, cảnh giác trước chính sách "khuyến khích dân số" hoặc các chiến lược diễn biến hòa bình, và gây sức ép buộc Mỹ cũng như các nước khác phải từ bỏ học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" hoặc các chiến lược ngăn chặn thời chiến tranh Lạnh (kể cả việc xúc phạm cư dân mạng của chúng ta cũng sẽ nhằm mục đích này).

Đánh giá các quan hệ đối ngoại của Mỹ, chúng ta phải tập trung đầu tiên vào Nhật Bản. Sức mạnh Nhật Bản đã ở trạng thái bình ổn và có thể suy giảm. Sự nổi lên của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cũng đã làm phức tạp thêm quan hệ đồng minh với Mỹ. Có những cơ hội cho chúng ta trong diễn biến này, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng xu hướng thiên hữu của Nhật chỉ chậm lại chứ chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Thủ tướng hiện nay là một người cánh tả, nhưng Nhật Bản là một nước thiên hữu. Chúng ta cũng phải rút ra bài học sau cái gọi là "Sáng kiến Nye": sự kết hợp chặt chẽ hơn của các chiến dịch quân sự Mỹ và Nhật Bản có thể làm phức tạp thêm kế hoạch của chúng ta dễ dàng, như sự gia tăng đơn phương khí tài của Mỹ hay của Nhật ở Thái Bình Dương.

Về điểm này, chúng ta nên xem xét một cách thận trọng quan hệ hợp tác Nhật - Mỹ hiện nay trong hệ thống phòng thủ tên lửa và cái gọi là "cuộc chiến không - biển". Việc Chính phủ Nhật Bản gần đây xin lỗi Hàn Quốc mà không xin lỗi Trung Quốc cho thấy các yếu tố "mối đe dọa Trung Quốc" vẫn tồn tại trong cả hai phe phái chính trị lớn của Nhật Bản. Cộng đồng doanh nhân Nhật Bản đã không có ích cho chúng ta như mong muốn, dù Nhật phụ thuộc rất lớn vào thị trường của chúng ta và mắt xích của chúng ta trong dây chuyền cung ứng sản phẩm.

Chúng ta sẽ thử tìm cách thương lượng về các vấn đề gây tranh cãi như Biển Đông nhằm đánh lạc hướng học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc", trong khi nhấn vào quan điểm nguyên tắc của chúng ta rằng khu vực xung quanh quần đảo Điếu Ngư (nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan) luôn là và sẽ là vùng lãnh hải của Trung Quốc.

Các xu hướng chiến lược về bán đảo Triều Tiên nhìn chung có lợi cho chúng ta. Trong khi Kim Jong Il gây căng thẳng một cách điên rồ và bác bỏ các đề nghị của chúng ta về cải cách kinh tế kiểu Đặng Tiểu Bình, khả năng chúng ta định hướng sự chuyển giao lãnh đạo hậu Kim ở Triều Tiên ngày càng mạnh.

10 năm trước, chúng ta đã cung cấp 50% lương thực và nhiên liệu cho Triều Tiên; ngày nay con số này tăng tới 80%. Sự phụ thuộc của kinh tế Hàn Quốc vào Trung Quốc cũng tăng và Tổng thống Roh Moo-hyun đã làm suy yếu quan hệ Mỹ - Hàn - Nhật bằng việc thừa nhận điều này (dù ông đã từ chối đề nghị của chúng ta về một diễn đàn ba bên Trung - Hàn - Triều để thay thế Nhóm Hợp tác và Giám sát ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, hay TCOG). Tuy nhiên mới đây, chúng ta có thể chứng kiến sự đảo ngược các xu hướng tích cực này. Sau vụ Triều Tiên đánh chìm tàu chiến của Hàn Quốc (kết luận mà chúng chia sẻ với Mỹ và Hàn Quốc nhưng không công khai), phe hữu tại Hàn Quốc và trong chính quyền Mỹ của ông Obama đã bắt đầu một chiến dịch chống Triều Tiên trên biển, tại những vùng nước quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Naoto Kan của Nhật Bản hồi tháng Sáu, Thủ tướng Ôn Gia Bảo được thông báo rằng Hàn Quốc và Nhật Bản dường như đứng về một phía trong vụ việc này và Trung Quốc sẽ bị cô lập. Chúng ta phải chống lại sự thất bại này bằng cách khuyến khích nối lại bàn đàm phán sáu bên và chấm dứt các chiến thuật gây sức ép, kêu gọi Triều Tiên giảm các hành động khiêu khích, và thông qua các phương tiện truyền thông và bạn bè của Trung Quốc tại Washington để chống lại bất cứ nỗ lực nào nhằm dùng chiến dịch chống Triều Tiên này làm một chiến lược ngăn chặn Trung Quốc.

Về các quan hệ khác với bên ngoài, có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đã xích lại gần hơn với châu Âu dưới thời Merkel và Sarkozy dựa trên sự thống nhất của họ về "mối đe dọa Trung Quốc". Tuy nhiên, các diễn biến kinh tế và chính trị mới đây đã lại khiến EU trở thành một nhân tố bị chia rẽ nội bộ và hướng nội trong nền ngoại giao đa phương mới. Chúng ta không thể dựa vào châu Âu nữa trong vai trò một đối trọng chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ như trong thời Chirac và Schroeder, nhưng cũng không nên lo lắng rằng châu Âu sẽ thống nhất đằng sau bất cứ chiến lược nào ngăn cản Trung Quốc.

ASEAN cũng là một nhân tố bị chia rẽ và hướng nội, thậm chí còn thiếu thống nhất hơn EU. Chúng ta có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia, Lào và đôi khi cả Philippines.

Singapore từng chơi hai mặt, nói với chúng ta rằng họ muốn thấy vai trò lãnh đạo lớn hơn của Trung Quốc về kinh tế trong khu vực trong khi kêu gọi Mỹ tăng cường sự hiện diện về quân sự và ngoại giao. Indonesia đang trở lại thành một tác nhân chính trong nền chính trị ASEAN, nhưng cũng bị chia rẽ giữa các quy chế quốc gia dân chủ, Hồi giáo và đang phát triển của họ. Chúng ta phải nhấn mạnh sự nghiệp chung với Indonesia dựa trên điểm cuối cùng này, trên tinh thần hội nghị Bandung. Còn Malaysia dưới thời ông Najib có thể đặt ra vấn đề với chúng ta, và sự thân mật của vị Thủ tướng này với Washington có thể phải được theo dõi kỹ. Việt Nam thì đang âm mưu lôi kéo Mỹ nhằm hỗ trợ cho đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, các nhân tố trong bộ ba lãnh đạo ở Hà Nội có thể đồng cảm hơn với các lợi ích tư tưởng chung của họ với Trung Quốc sau khi thay đổi lãnh đạo tại Đại hội Đảng tháng Giêng tới. Chúng ta sẽ tối ưu hóa hoàn toàn các quan hệ giữa hai đảng để đạt được kết quả tích cực trong quan hệ song phương với Việt Nam.

Trên hết, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương đặc biệt, và bác bỏ các nỗ lực của ASEAN thương lượng như một thực thể duy nhất trong bất cứ gì trừ các thỏa thuận kinh tế.

Ấn Độ đã trở thành một nhân tố lớn hơn trong chiến lược chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Chúng ta thừa nhận rằng sự liên kết Mỹ - Ấn bắt đầu dưới thời Bush là không thể đảo ngược, dù chúng ta đã được an ủi phần nào từ sự giãn dần của chính quyền Obama trong quan hệ Mỹ - Ấn. Tuyên bố chung Mỹ - Trung hồi tháng 11 vừa qua là một dấu hiệu đặc biệt để Ấn Độ thấy rằng Washington nhìn về Bắc Kinh trước và Delhi chỉ là thứ hai trong nền chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ hiện giờ phối hợp với Ấn Độ nhiều hơn bất cứ đối tác song phương nào, kể cả các nước trong NATO, hay Nhật Bản và Australia (hai nước này đều đã ký một loạt hiệp định hợp tác với Hải quân Ấn Độ). Sự lan truyền của Ấn Độ về "mối đe dọa Trung Quốc" tại Aksai Chin, Arunachal Pradesh và "chuỗi ngọc trai" từ Myanmar tới Sri Lanka và Gwadar của Pakistan cần phải được ngăn chặn.

Rất may, Ấn Độ đang phải lo lắng phát triển kinh tế nhiều hơn các vấn đề chiến lược và điều này có thể ảnh hưởng tới chính sách của New Delhi thông qua thương mại và phát triển hòa bình. Chúng ta cũng sẽ xây dựng dựa trên "Tinh thần Copenhagen" để ngăn cản sự liên kết của Ấn Độ với Mỹ và Nhật, và tạo các liên minh đối trọng giữa các nước đang phát triển. Giới lãnh đạo Ấn Độ đã loan báo các lợi thế giả định của "nền dân chủ lớn nhất thế giới" này, nhưng dân chủ lại chính là một vật cản đối với sự phát triển của Ấn Độ so với mô hình xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thành công hơn của chúng ta.

Các nỗ lực của Ấn Độ nhằm làm đối trọng với chúng ta tại Myanmar cần phải được theo dõi, nhưng chúng ta đang ở thế mạnh hơn tại đây và có thể giành được một số lợi thế nếu cam kết của Ấn Độ làm phức tạp thêm các nỗ lực của Mỹ nhằm hình thành một mặt trận dân tộc thống nhất chống lại SPDC. Chúng ta cũng có một lợi thế lớn đối với Ấn Độ. Ngoài cao nguyên Tây Tạng, Ấn Độ không nằm trong các trung tâm quan trọng về sức hấp dẫn chiến lược đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng lợi dụng tính dễ bị tổn thương của Ấn Độ tại Nam Á thông qua quan hệ với Pakistan (nơi chúng ta sẽ chuyển giao công nghệ điện hạt nhân và xây dựng đường xá và cầu cảng) và thông qua quan hệ mới của chúng ta với Sri Lanka và Maldives. Điều này sẽ cho phép chúng ta giữ cảnh giác với Ấn Độ nếu các chiến lược của New Delhi trở nên quá tham vọng tại Đông Á. Tuy nhiên, cuối cùng nhiều việc sẽ tùy thuộc vào mức độ liên kết của Ấn Độ với Mỹ, Nhật và các cường quốc hải quân khác ở châu Á.

Kết luận: Ba điều nên tránh

Tóm lại, chiến lược của chúng ta nhằm duy trì sự phát triển hòa bình và xã hội hài hòa ở châu Á đã mang lại những thế mạnh khổng lồ. Tầm ảnh hưởng của chúng ta đã gia tăng trong khi không gây ra những khó khăn nguy hiểm nào có thể làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã đánh bại các chiến lược diễn biến hòa bình nhằm làm suy yếu Đảng Cộng sản. Chúng ta đã ngăn cản, nếu không muốn nói là đảo lộn chủ nghĩa ly khai tại Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Chúng ta đã tiếp tục xây dựng một thế giới đa cực. Và chúng ta đã làm những điều này mà không trực tiếp đối đầu với Mỹ.

Tuy nhiên, các thách thức bên trong và bên ngoài của chúng ta vẫn là rất lớn. Quan trọng là chúng ta vẫn tỉnh táo về ba điều cần tránh: Một là tránh các chiến lược ngăn chặn hoặc đối trọng ở các nước dân chủ ở ngoại biên nước ta; Hai là tránh các cuộc cách mạng màu ở Triều Tiên hay Myanmar và sự thay đổi chế độ hiện nay bằng các nền dân chủ thân Mỹ ở sát biên giới chúng ta; Ba là phải tránh xung đột với Mỹ.

Đánh giá của chúng ta là Mỹ cũng tìm cách tránh xung đột với Trung Quốc. Chúng ta tìm cách củng cố tầm ảnh hưởng của mình trong hệ thống quốc tế để bảo vệ các lợi ích của mình và xã hội mình. Mỹ tìm cách lợi dụng cam kết của chúng ta với hệ thống này để thay đổi xã hội của chúng ta thông qua diễn biến hòa bình.

Phép thử của mỗi chiến lược sẽ là ở khả năng chúng ta hạn chế và định hướng lựa chọn của người khác, trong khi lớn mạnh dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng. Chúng ta sẽ phải nghĩ về đòn bẩy và tầm ảnh hưởng của mình theo nghĩa rộng hơn và toàn diện hơn, bao chùm mọi công cụ của quyền lực quốc gia: ngoại giao, quân sự, hệ tư tưởng và kinh tế. Chúng ta có thể hy vọng rằng Mỹ sẽ làm điều tương tự.

(Nguồn VNN)-Quốc Thái dịch.

Không có nhận xét nào: