HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Giấc mộng Trung Hoa-Đặng Tiểu Bình



3. Đặng Tiểu Bình: Trí tuệ lớn “giấu mình chờ thời”

Trong thời kỳ mới cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã đưa nhân dân Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới, tức là hòa nhập vào thế giới để lãnh đạo thế giới, khi “giấu mình chờ thời” vẫn làm nên những kỳ tích. Đặng Tiểu Bình đề ra việc xây dựng trật tự mới chính trị quốc tế và trật tự mới kinh tế quốc tế, chính là thể hiện toàn bộ việc ông theo đuổi chiến lược mang tính thế giới, có triển vọng lớn.

“Tiểu Bình, chí lớn”: Thiết kế tổng thể đầu tiên đưa Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới

Tuy trong những phát biểu và sách báo công khai không đề cập tới những từ ngữ như “Trung Quốc đứng đầu”,“đuổi kịp, vượt qua Mỹ”, nhưng nguyện vọng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến tới vị trí đứng đầu thế giới của Đặng Tiểu Bình lại mạnh mẽ vô cùng. Trong thời kỳ cải cách mở cửa, ông đã đưa Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu với động lực lớn nhất, tốc độ nhanh nhất, khiến khoảng cách tới vị trí đứng đầu thế giới của Trung Quốc ngày càng gần. Với tư cách là tổng công trình sư của cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình chính là xoay quanh việc xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, tiến hành thiết kế để Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới. Thiết kế tổng thể của Đặng Tiểu Bình là một hệ thống với nội dung phong phú, trong đó bao gồm: một mục tiêu phấn đấu —- xây dựng một cường quốc hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội, biến Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới; một đường lối cơ bản —- lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, duy trì cải cách mở cửa; ba giai đoạn phấn đấu —- ba bước, từ cơm no áo ấm, xã hội khá giả, tới 50 năm đầu thế kỷ 21 thực hiện giấc mơ cường quốc giàu mạnh; một chiến lược lớn phát triển hòa bình —- giấu mình chờ thời, làm nên kỳ tích.

“Cần phải thực hiện cải cách mở cửa Trung Quốc tốt hơn Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản”

Minh Trị Duy Tân của Nhật Bản là một tấm gương cải cách chấn hưng đất nước. Ngày 24/5/1977, Đặng Tiểu Bình từng nói: “Minh Trị Duy Tân là công cuộc hiện đại hóa do giai cấp tư sản thực hiện, chúng ta là giai cấp vô sản có khả năng thực hiện tốt hơn họ. Ngày 15/4/1985, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Nay chúng ta thực hiện việc mà Trung Quốc vài nghìn năm qua chưa từng làm. Cuộc cải cách này không chỉảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới thế giới”. Mục tiêu của Đặng Tiểu Bình là thực hiện sự nghiệp vĩ đại “ảnh hưởng cả thế giới”. Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Cuộc cải cách của chúng ta không chỉ ảnh hưởng ngay tại Trung Quốc, mà còn là một cuộc thử nghiệm trên phạm vi quốc tế, chúng ta tin tưởng sẽ thành công. Nếu thành công, thì có thể đem lại một loạt kinh nghiệm cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và các nước kém phát triển. Đương nhiên, không phải đem kinh nghiệm này gán cho nước khác. Ngày 7/4/1990, tại cuộc tọa đàm “Chấn hưng dân tộc Trung Hoa” lần thứ nhất, Đặng Tiểu Bình đã có phát biểu quan trọng: “Sau Hội nghị trung ương 3 khóa 11, chúng ta tập trung lực lượng thực hiện bốn hiện đại hóa, tập trung chấn hưng dân tộc Trung Hoa. Trong một thời gian không dài, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ trở thành một nước lớn kinh tế, hiện nay Trung Quốc đã trở thành một nước lớn chính trị. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã có chiếc ghế tại Liên Hợp Quốc. Người Trung Quốc cần phấn khởi lên. Đại lục nay đã có nền tảng tương đối. Chúng ta vẫn còn vài chục triệu đồng bào yêu nước ở nước ngoài, họ hy vọng Trung Quốc cường thịnh phát triển, đây là điều có một không hai. Chúng ta cần tận dụng cơ hội đưa Trung Quốc phát triển. Thế kỷ tới, Trung Quốc rất có triển vọng”. Tôn Trung Sơn khi thành lập “Hưng Trung Hội”, đã đề xuất phải “chấn hưng Trung Hoa”, chính là muốn “sánh cùng Âu Mỹ”, muốn giành lại vị trí đứng đầu thế giới. Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh việc chấn hưng dân tộc Trung Hoa cũng là muốn thực hiện việc giành địa vị đứng đầu thế giới của Trung Quốc. Ý nghĩa của việc chấn hưng Trung Hoa chính là giành vị trí đứng đầu thế giới; và việc thực hiện phục hưng vĩ đại chính là Trung Quốc cần phải một lần nữa trở thành nước đứng đầu thế giới.

Chiến lược “ba bước”: Tiếp cận vị trí đứng đầu thế giới

Việc Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới sẽ phải có quá trình như thế nào? Trong thập niên 80 của thế kỷ 20, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất thực hiện “chiến lược ba bước” với thời gian 70 năm, đến khi kỷ niệm 100 năm dựng nước, thực hiện mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Bước thứ nhất cần 10 năm để đạt được mức sống ăn no mặc ấm, bước thứ hai cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba cần 50 năm trong thế kỷ 21 để thực hiện mục tiêu vĩ đại chấn hưng dân tộc. Đặng Tiểu Bình là một người theo chủ nghĩa hiện thực và cũng là một người theo chủ nghĩa lý tưởng, lời dặn dò cuối cùng của ông cũng khích lệ nhân dân: “Từ nay đến giữa thế kỷ sau, sẽ là thời kỳ rất gấp gáp, chúng ta cần chăm chỉ làm việc. Trên vai chúng ta mang gánh nặng, trách nhiệm lớn!”. Đặng Tiểu Bình ám chỉ thế kỷ 21 chính là thời kỳ này, vậy tại sao lại là thời kỳ cực kỳ gấp rút? Bởi đây chính là thời kỳ Trung Quốc hướng tới vị trí đứng đầu thế giới.

4. Thế giới dự đoán về Trung Quốc

Sự phát triển của Trung Quốc ảnh hưởng đến tương lai của thế giới. Các chính trị gia, chuyên gia, thậm chí người dân của một số nước lớn trên thế giới đều thích dự đoán về tương lai của Trung Quốc và đã hình thành nên một số nhận thức chung cơ bản.

Người Nhật Bản: “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”“Làm thế nào chung sống được với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc?” Đây là vấn đề được thảo luận và tranh luận rộng rãi trong các giới của Nhật Bản trong những năm gần đây. Nhật Bản nên xây dựng cách nhìn nhận Trung Quốc như thế nào? Quan điểm của học giả Ohmae Kenichi – vốn được gọi là “cha đẻ của chiến lược Nhật Bản” được coi là mang tính tiêu biểu.

Năm 2009, trong các diễn văn và bài viết của mình, Ohmae Kenichi đã nhiều lần nói: “Trước năm 2055, quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ gấp 10 lần Nhật Bản”, Nhật Bản phải thích ứng lại với tình trạng sức mạnh của Nhật Bản chỉ bằng 10% của Trung Quốc, Nhật Bản phải có nhận thức đúng đắn về quy mô của nước láng giềng Trung Quốc. Nhìn vào lịch sử 2000 năm trước đây, quy mô sức mạnh của Nhật Bản luôn chỉ bằng 10% của Trung Quốc, từ sau Minh Trị Duy Tân mới có sự thay đổi, hiện nay chỉ là quay trở lại mối quan hệ tỉ lệ trước đây. Nhật Bản cần phải chấp nhận hiện thực “Nhật Bản nhỏ hơn Trung Quốc”, phải là một quốc gia “nhỏ mà mạnh”. Thị trường khổng lồ Trung Quốc là cơ hội kinh doanh lớn của Nhật Bản. Điều then chốt để các xí nghiệp Nhật Bản thành công là liệu có ôm được Trung Quốc vào lòng hay không? Ví dụ trong việc xây dựng đường cao tốc, đường cao tốc của Nhật Bản tổng cộng dài 9000km, trong khi đó chỉ riêng một năm Trung Quốc đã xây dựng 8000km đường. Trong mười mấy năm gần đây, Ohmae Kenichi đã thường xuyên đi lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hiện nay định kỳ mỗi năm đến Trung Quốc 8 lần. Ông nói hiện nay nghiên cứu thế giới không thể không nghiên cứu Trung Quốc. Ông cho rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Mỹ đã trở thành nước không còn phong độ và tư cách lãnh đạo. Trong cuốn sách “Nước Mỹ: tạm biệt!”, ông đưa ra 3 “liều thuốc” cho nước Mỹ: thứ nhất, phải xin lỗi toàn thế giới,thừa nhận những sai lầm lớn đã phạm phải trong 8 năm qua gồm tiến công Ápganixtan, chiếm lĩnh Irắc, làm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; thứ hai, trở thành một phần tử của thế giới, hiệp thương để làm việc, không được thực hiện bá quyền; thứ ba, từ bỏ chiến tranh. Nhật Bản luôn hiểu rõ bản thân mình, khả năng thích ứng của Nhật Bản đối với sự thay đổi của cục diện thế giới được biểu hiện ở chỗ Nhật Bản với hơn 100 năm “thoát Á nhập Âu”,hiện nay lại cao giọng phải “thân Mỹ nhập Á”, “thoát Âu nhập Á”. Các chính trị gia thế hệ mới của Nhật Bản cho rằng thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng hai cực hóa giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải trở thành cầu nối ở khu vực Thái Bình Dương, phát huy tác dụng là cầu nối giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhật Bản phải thay đổi chính sách ngoại giao ”theo đuôi Mỹ”. Trong nửa đầu năm 2009, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc là 20,4%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với Mỹ là 13,7%. Trong khi đó trong năm 1990, tỷ trọng mậu dịch đối với Mỹ là 27,4%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với Trung Quốc là 3,5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tỷ trọng mậu dịch của Nhật Bản đối với Trung Quốc vượt trên 20%, còn tỷ trọng mậu dịch đối với châu Á của Nhật Bản cũng vượt trên 50%. Nhật Bản đã hình thành chỗ dựa mậu dịch ở châu Á lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Người Mỹ: “Phương án Bắc Kinh” có thể thay thế sự “Đồng thuận Oasinhtơn”

Người Mỹ rất nhạy cảm với việc Trung Quốc vươn tới trở thành nước “đứng đầu thế giới”, và đã dự đoán điều này cách đây 20 năm. Năm 1987, học giả Mỹ Paul Kennedy đã đưa ra 3 dựa đoán lớn đối với cục diện chính trị thế giới: Thứ nhất, trong tương lai gần đây sẽ không có bất kỳ nước nào có thể tham gia vào nhóm “5 nước chính trị hàng đầu” gồm Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. (Henry Kissinger thì cho rằng có thể cộng thêm Ấn Độ, trở thành nhóm “6 nước chính trị hàng đầu”), những nước này sẽ là những nước lớn cuối cùng. Thứ hai, sự cân bằng của lực lượng sản xuất thế giới trên một số mặt nào đó đã từ Liên Xô, Mỹ và EU ngả sang một cách có lợi cho Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy Trung Quốc còn lạc hậu, nhưng sẽ phát triển rất nhanh. Thứ ba, Trung Quốc trải qua một sự phấn đấu lâu dài gian khổ, các nhà lãnh đạo hiện nay của họ xem ra đang thực hiện một chiến lược to lớn với tư tưởng nhất quán và tầm nhìn xa trông rộng, về mặt này họ sẽ vượt lên Mátxcơva, Oasinhtơn và Tôkyô, Tây Âu thì không cần nói đến. Cách đây mười mấy năm, Brzezinski đã từng dự đoán: ”Hơn 20 năm sau, Trung Quốc sẽ trở thành một nước lớn mang tính toàn cầu, thực lực của nước này đại thể ngang bằng với Mỹ và châu Âu”. Trong “Kế hoạch năm 2020″ mà Ủy ban tình báo quốc gia Mỹ trình Nhà Trắng đã viết: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi giống như sự xuất hiện của nước Đức trong thế kỷ 19 và nước Mỹ trong thế kỷ 20″.

Goldman Sachs dự đoán đến năm 2027 quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, đến năm 2050 sẽ gấp đôi Mỹ. Trong bài “Sự trỗi dậy của Trung Quốc” đăng trên quý san số 3 của tạp chí “Chính sách thế giới” của Mỹ đã viết: “Đến năm 2033, trong trật tự kinh tế thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có thể đứng đầu, Mỹ tụt xuống hàng thứ hai…Chúng tôi hy vọng Chính phủ và nhân dân Mỹ có thể bắt đầu suy nghĩ về bước ngoặt của sự phân chia này mang ý nghĩa gì và suy nghĩ đến phương thức đối phó…Cùng với sự chuyển dịch của thời gian và sự xuất hiện vấn đề kinh tế tăng trưởng và phát triển, chúng ta sẽ nghe thấy nhiều hơn câu nói phương án Bắc Kinh, chứ không phải là sự Đồng thuận Oasinhtơn”.

Người Anh: “Trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông”

Cuốn sách “Khi Trung Quốc thống trị thiên hạ: sự trỗi dậy của vương quốc trung nguyên và sự cáo chung của thế giới phương Tây” đã làm chấn động phương Tây. Tác giả cuốn sách, học giả người Anh Marin Jacques đã nói: “Đối với Mỹ mà nói, nước này sẽ dần dần trở thành một nước lớn không còn giữ được địa vị độc tôn, sẽ là một quá trình đau khổ. Mỹ cần phải học cách nhìn thẳng và thích ứng với sự suy thoái của mình… Sự lựa chọn xấu nhất của Mỹ là tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nó sẽ khiến cho thế giới lại sa lầy vào vũng bùn của chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh lạnh mới chỉ càng làm cho địa vị của Mỹ suy giảm nhanh. Đối với toàn bộ thế giới phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm tình cảm mất mát của thế giới phương Tây. Phương Tây đang bước vào giai đoạn tự thích ứng một cách lâu dài và đau khổ…. Tôi muốn vỗ tay để Trung Quốc trỗi dậy trở thành lực lượng lãnh đạo thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cục diện kinh tế thế giới, mà còn làm thay đổi phương thức sống và tư duy của chúng ta. Sự trỗi dậy của Trung Quốc dự báo một thời đại mới sẽ đến… Đến nửa sau thế kỷ 21, Trung Quốc rất có thể trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cộng đồng quốc tế sẽ nảy sinh thay đổi to lớn. Bắc Kinh sẽ trở thành đô hội của thế giới. Thượng Hải cũng thay thế New York trở thành trung tâm kinh tế tài chính quốc tế.”

Các phóng viên tờ “The Guardian” của Anh trong chuyên mục của mình đã dự đoán: “Sự thay đổi của Trung Quốc đã khiến trung tâm thế giới chuyển sang phía Đông, thế kỷ 21 sẽ hoàn toàn khác với hai thế kỷ trước, quyền lực không còn nằm trong tay Mỹ và châu Âu”.

Trong cuốn “Biểu hiện lâu dài của kinh tế Trung Quốc”, nhà kinh tế học Anh Augus Maddison đã dự đoán, đến năm 2015, Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tháng 5/2008, Trung tâm cải cách châu Âu của Anh đã công bố báo cáo chỉ rõ: Trung tâm quyền lực thế giới đang di chuyển sang phía Đông. Đến năm 2020, quy mô kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc sẽ ngang nhau, GDP của mỗi nước sẽ chiếm khoảng 20% tổng GDP toàn cầu.

Bản báo cáo “Triển vọng thế giới năm 2008″ của tạp chí ”The Economist” của Anh đã nêu rõ, năm 2008 sẽ là năm đầu tiên nền chính trị kinh tế toàn cầu sẽ “thoát Mỹ nhập Trung”, tức là năm “trật tự thế giới do Mỹ làm chủ đạo chuyển sang trật tự thế giới do Trung Quốc làm chủ đạo”.

Các nhà kinh tế toàn cầu: Việc vượt lên không có gì phải hoài nghi, chỉ là vấn đề thời gian.

Bắt đầu từ tháng 6 năm 2009, tờ “Thời báo hoàn cầu” (của Nhân dân nhật báo Trung Quốc) đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận trong hai tháng, phỏng vấn 85 nhà kinh tế trên toàn cầu, trong đó có 80 nhà kinh tế đã tham gia trả lời. Nội dung chủ yếu của cuộc điều tra liên quan đến ba vấn đề:

Thứ nhất, cần mấy năm để khôi phục lại nền kinh tế thế giới ở mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính? Thứ hai, thể kinh tế hay quốc gia nào sẽ phục hồi đầu tiên trong cuộc khủng hoảng này? Thứ ba, cần bao nhiêu năm để tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?

Kết quả điều tra cho thấy: có 51 người, tức chiếm đa số, cho rằng phải mất từ 3-5 năm thì nền kinh tế thế giới mới đạt mức trước khi xảy ra khủng hoảng, có 19 người cho rằng phải mất từ 1-2 năm, có 9 người cho rằng phải mất 5 năm. Có 66 học giả cho rằng Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc khôi phục lại từ trong cuộc khủng hoảng, có 10 người cho là Mỹ sẽ đi đầu, có 3 người cho là một thể kinh tế khác và 1 người cho là một quốc gia khác. Về vấn đề cuối cùng, có 18 người cho rằng phải mất 10 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, chiếm 23%; có 37 người cho rằng phải mất 20 năm, chiếm 46%; có 14 người cho rằng phải mất 30 năm, chiếm 17%; có 6 người cho rằng phải mất thời gian dài hơn và có 2 người cho rằng không bao giờ vượt được. Tham gia điều tra có 17 học giả Mỹ, chiếm tỷ lệ đông nhất về số người tham gia của một quốc gia. Các học giả Mỹ phản ứng gay gắt nhất về việc dự báo tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ, đa số các học giả Mỹ cho rằng phải mất trên 30 năm thì tổng lượng kinh tế của Trung Quốc mới vượt được Mỹ.

Kết quả điều tra đã cho thấy ba vấn đề mang tính khuynh hướng: thứ nhất, việc tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ đã trở thành nhận thức chung của các chuyên gia, 78 trong số 80 chuyên gia đã cho là như vậy; thứ hai, có 37 người cho rằng phải mất 20 năm tổng lượng kinh tế Trung Quốc mới vượt Mỹ, đây là cách nhìn nhận chính; thứ ba, cho rằng tổng lượng kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ sẽ dẫn tới việc bố trí lại trật tự thế giới.

(Lưu Minh Phúc-nguồn ttxvh)

2 nhận xét:

Việt gốc nói...

Không ai ngăn cản được giấc mơ, nhưng cũng không ai điều khiển được giấc mơ

QUANG DONG nói...

Giấc mộng luôn có hai mặt!