HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Ngoại giao du kích



Greg Torode của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, trong bài viết "Việt Nam làm hồi sinh chiến thuật du kích" ngay sau hội nghị ADMM+8, đã hết lời ca ngợi các nhà quân sự Việt Nam trong việc khiến Thượng tướng Lương Quang Liệt đã "trở tay không kịp", khi gần một nửa trưởng đoàn tham dự đã đồng loạt "phát pháo" về vấn đề tranh Biển Đông, vốn không có trong nghị trình.

Ký giả Greg Torode còn nhắc lại rằng, trớ trêu thay, chính cẩm nang về "chiến thuật du kích" đã được bí mật đưa vào Việt Nam qua đường biên giới phía Bắc vào những năm '40 của thế kỷ trước. Có điều, thời gian ở Hà Nội quá ít, khiến ký giả này không gặp được nhà sử học Văn Tạo, người đã có hẳn một công trình nghiên cứu về quá trình du nhập chiến thuật này từ Trung Quốc vào Việt Nam, để có thêm những chi tiết cụ thể và chính xác hơn cho bài báo vốn đã khá hay của ông.

Chẳng hạn, chính Đại tướng huyền thoại Nguyễn Chí Thanh, người cha quá cố của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (nhân vật được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự hồi sinh này), đã được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu "Vị tướng du kích", sau những thành công ở "Bình Trị Thiên khói lửa" cuối những năm '60.

Hay chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải các cố vấn Trung Quốc (Greg Torode dùng từ "smuggled" với hàm ý này) là người đã đưa chiến thuật chiến tranh du kích vào Việt Nam, từ những kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia cuộc nội chiến Quốc - Cộng ở Trung Quốc vào những năm '30.

Tuy nhiên, nếu cụm từ "chiến thuật ngoại giao du kích" mà Greg Torode dùng là quá "đắt" với những gì diễn ra tại ADMM+8, thì có vẻ lại hơi "phiến diện" khi đánh giá về những gì mà Việt Nam đã làm được để đảm bảo đạt được những mục tiêu đề ra trong năm ASEAN 2010, cũng như cuộc marathon với cái đích là "giải pháp toàn diện cho tranh chấp Biển Đông".

Theo, quan điểm riêng của người viết, cụm từ "tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" có lẽ phù hợp hơn.

Theo nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh được thể hiện ở chỗ dù còn một cơ hội nhỏ nhất, ông vẫn cố gắng tối đa để giữ hoà bình cho dân tộc. Tất nhiên, trên cơ sở một bất biến là đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Còn khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh, Hồ Chí Minh đã tranh thủ sự ủng hộ tối đa của những người yêu chuộng hoà bình và chính nghĩa trên toàn thế giới.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, một chuyên gia hàng đầu về quan hệ ASEAN - Mỹ của Học viện Ngoại giao, trong một bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, đã phân tích tư tưởng này dưới góc nhìn của quan hệ giữa nước nhỏ và nước lớn. Theo Tiến sĩ Tùng, mức độ "nín nhịn" để giữ hoà hiếu có thể được giảm đi thông qua các giải pháp như "mở rộng quan hệ với các nước thứ ba để tạo thêm thế và lực cho nước nhỏ trong quan hệ với nước lớn, và tham gia các cơ chế đa phương để tạo thêm ràng buộc hành vi và trách nhiệm của nước lớn đối với nước nhỏ."

Những gì Việt Nam cùng với ASEAN đã làm trong năm 2010 đã chứng tỏ cách hiểu về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh của hai nhà ngoại giao, một già một trẻ, nói trên là hoàn toàn có cơ sở.

Việc mời tám quốc gia bên ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, Trung Quốc Nga, hay Ấn Độ, vào cơ chế ADMM+, như một sự bổ sung quan trọng cho những khiếm khuyết của cơ chế Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) là một ví dụ. Việc mời Nga và Mỹ tham gia thượng đỉnh Đông Á, và biến diễn đàn này thành một cơ chế chủ yếu giải quyết các tranh chấp ở Đông Á, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á, là một ví dụ khác, quan trọng hơn.

Song song với việc tạo lập, hoặc mở rộng, các cơ chế nói trên, việc củng cố các mối quan hệ song phương với các nước thứ ba cũng được Việt Nam đặc biệt chú trọng.

Chẳng hạn, người Nga cũng đã quay trở lại Việt Nam với một hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, và một thoả thuận dành cho doanh nghiệp Nga khôi phục lại quân cảng Cam Ranh thành một căn cứ hậu cần quốc tế cho cả thương thuyền lẫn pháo hạm.

Hay, khi sang Việt Nam dự Cấp cao Đông Á mở rộng, ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã nói rằng cách đây 10 năm, bà đã không thể hình dung được quan hệ Mỹ - Việt lại phát triển đến mức đáng kinh ngạc như thế này.

Tàu chiến Mỹ ra vào Biển Đông, khi thì viếng thăm, khi thì vào để sửa chữa. Mặc dù kinh tế vẫn chưa phục hồi sau khủng hoảng, nhiều tập đoàn công ty hàng đầu của Mỹ vẫn đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Và Mỹ vẫn đang cố thuyết phục Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi từ chối đề nghị của một số nước khác.

Một người bạn của Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng là Giáo sư người Thuỵ Điển Ramses Amer, đã từng cảnh báo rằng "Việt Nam cần tránh sự đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, bởi trâu bò đánh nhau - ruồi muỗi chết".

Có lẽ những lời phát biểu rất mềm dẻo của ngoại trưởng Clinton đối với Trung Quốc trước khi qua dự Cấp cao Đông Á, đã khiến không chỉ vị Giáo sư Thuỵ Điển này yên tâm hơn. Bởi nước chủ nhà Việt Nam đã được tôn trọng, và người Mỹ không muốn làm cho họ bị khó xử.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trưởng đoàn Việt Nam trong đối thoại Việt - Mỹ về ngoại giao - quốc phòng -an ninh, đã hoàn toàn có lý khi nói rằng "không có lĩnh vực gì mà Việt Nam và Mỹ lại không thể thảo luận để tìm giải pháp được".

Có lẽ, riêng trong quan hệ với khu vực này, người Mỹ cuối cùng đã rút ra được "bài học Việt Nam". Họ hiểu rằng "nền ngoại giao pháo hạm" không phải là giải pháp duy nhất để tạo ảnh hưởng.

Người ta chờ đợi Trung Quốc sẽ tiếp thu bài học này ra sao?

(Trích từ bài báo của Tác giả Huỳnh Phan)

2 nhận xét:

Thợ cạo nói...

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (nhân vật được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự hồi sinh này)- Không hiểu, hay dịch sai phải không Quang Đông? Ngoại giao tổng lực (con thoi) như Mỹ đánh ở triều Tiên, Iraq đáng tam khảo, học tập.

QUANG DONG nói...

Vì ông Vịnh là trưởng ban tổ chức HN các BTQP.Đi TQ mời ông Lương Quang Liệt và cũng đi Mỹ trước khi tổ chức Hội Nghị.Do đó,dưới con mắt nhà báo nước ngoài thì có vẻ như thế!