HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Lạm phát và Dân chủ.

Có lẽ nổi bật nhất thời gian gần đây là tình hình lạm phát trên thế giới và những bất ổn tại Trung Đông do phong trao đòi hỏi dân chủ lên cao. Nguyên nhân sâu xa của những thay đổi này có lẽ có nguồn gốc từ sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và dẫn tới sự thay đổi về tư duy con người .
Nếu như trong thời kỳ phong kiến, thời kỳ chiếm hữu nô lệ thì con người sinh ra đều đã xác định khá rõ thân phận của mình và họ thường chấp nhận thân phận đó tới cuối đời, bắt đầu từ thời kỳ phục hưng và sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản thì con người bắt đầu có một khái niệm mới về sự bình đẳng, công bằng và dân chủ. Sự đấu tranh của loài người vẫn luôn hướng tới bình đẳng, công bằng và dân chủ, phong trào đòi hỏi dân chủ tại Trung Đông là tất yếu mà ngòi nổ lại chính là tình hình lạm phát leo thang và tầng lớp nghèo bị tác động lớn họ đòi hỏi phải có sự chia sẻ về quyền lợi hợp lý và công bằng hơn giữa các nhóm người, nhóm lợi ích trong xã hội. Trung Quốc là một nước có lợi thế về nhân công lao động giá rẻ do có nguồn lao động dư thừa từ khu vực nông thôn chuyển sang công nghiệp sẵn sang chấp nhận bán sức lao động với giá thấp. Nhưng khi kinh tế đi lên, người dân Trung Quốc bắt đầu không chấp nhận tiếp tục bán sức lao động với giá rẻ mạt như xưa để cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp bản địa lợi dụng, và tình hình thiếu hụt nhân công, bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm sẽ tác động tới giá cả hàng hóa của Trung Quốc nói riêng và của thế giới nói chung khi mà công xưởng của thế giới giờ có chi phí sản xuất đắt hơn với đòi hỏi tăng lương và tăng chất lượng sống của đối tượng tầng lớp lao động nghèo tại  Trung Quốc. Với tình hình tăng nhân số ngày càng nhanh, biến đổi khí hậu, sự giới hạn về năng lực tăng thêm trong lĩnh vực nông nghiệp thì một điều chắc chắn giá cả các hàng hóa cả nông nghiệp và công nghiệp chắc chắn còn tiếp tục tăng. Một thách thức mới đặt ra cho thế giới trong tương lai là tình trạng giá cả sẽ leo thang, nếu chỉ áp dụng chính sách tiền tệ không thể giải quyết nổi và con người buộc phải suy nghĩ tới cách sử dụng làm sao cho thật hiệu quả tài nguyên của mình và tìm kiếm những công nghệ mới thay thế. Tình trạng bùng nổ về đòi hỏi, yêu cầu có chất lượng cuộc sống cao hơn và quyền lợi nhiều hơn của đông đảo tầng lớp nghèo trên thế giới sẽ còn tiếp tục gia tăng trong tương lai cũng sẽ dễ dẫn tới những bất ổn cho nhiều quốc gia nếu chúng ta không tìm được phương cách giải quyết thực sự có lợi cho tất cả và không giải quyết được những nhu cầu sống cơ bản của tầng lớp người nghèo.
(Bài này là của bạn Nguyễn Hồng Hải)

Không có nhận xét nào: