HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Hội An trong mắt một người không xa lạ!







Lần đến phố Hội đầu tiên đáng nhớ là để ăn Cao lầu nhưng không cảm nhận được cái ngon của món ăn này.Chỉ biết đó là món cao lương mỹ vị của Hội An.Tráng miệng bằng món chè bắp dẻo thơm,rồi đi ra chùa Cầu để ngắm các chú Chó và Khỉ tạc bằng gỗ,biểu tượng cho vị thần canh giữ Lai Viên Kiều.Sau đó ghé vào Hội quán Phúc Kiến của người Minh Hương để chụp hình.Lúc ấy Hội An còn chưa ai biết tới như là phố cổ,di sản văn hóa của thế giới.Chỉ là một thị xã nhỏ bị bỏ quên,ánh đèn đường ban đêm leo lắt buồn tẻ.Người dân ở đây có tiếng nói rất đặc trưng,tuy là cùng dân Quảng nhưng nghe nhiều khi cũng chẳng hiểu.
Sau này đi làm theo chân những người Nhật trở về Hội An từ Sài Gòn với tư cách là phiên dịch rất nhiều lần nhưng hầu như chỉ ngủ ở Hội An được có một đêm trong khách sạn cũ kỹ nhưng rộng rãi của quốc doanh.Lúc đó chỉ đọc tài liệu rồi nói như sách về phố cổ,nơi có những thương nhận Nhật từng đặt chân tới đầu thế kỷ 17.Cửa Đại Chiêm từng là thương Cảng trên con đường tơ lụa buôn bán với các nước trên thế giới.Vào cuối thế kỷ 17,người Anh muốn thương lượng thành lập khu tự do buôn bán và cư trú với chúa Nguyễn nhưng không thành.Sau đó họ đã chọn Hương Cảng.
Sau khi Hội An trở nên nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, trở lại nơi này và hoàn toàn bất ngờ với sự thay đổi chóng mặt.Người dân ở đây khấm khá hơn.Những Resort mọc lên với cái giá trên trời.Đèn lồng treo khắp nơi.Du khách Âu Á các kiểu lang thang đây đó.Cái mộc mạc của phố phường ngày xưa dần biến mất.Bạn bè người Nhật nói với tôi đây là phố Tàu.Uống ly bia tươi địa phương rẻ hơn ly trà đá.Hội An được quảng bá là nơi làm du lịch thành công trong nước.
Vài năm gần đây,sắp tết, thường ghé lại Hội An khi ra Quảng Nam vì đây vẫn còn nơi bình yên,thưởng thức các món ăn dân dã dần biến mất ở những nơi khác ngay trong tỉnh Quảng Nam.Mê nhất là bánh tráng đập.Đối với người lần đầu tiên ăn thì chẳng bao giờ hiểu được cái ngon của nó.Cơm gà,nem lụi,chả bò,bún giò,bánh Ú ở đây cũng rất đặc trưng.Mì Quảng thì phải ăn với rau sống Trà Quế mới là ngon.Giá sống ở đây nhìn bề ngoài ốm teo xơ xác nhưng hương vị đậm đà ngòn ngọt tinh túy của đất cát.Cửa Đại giờ đây đã bị bồi đắp chứ xưa kia nước giếng ở đây có mùi lợ của biển rất khó uống(Theo lời kể của người sống lâu ở Hội An).Những di dân người Hoa đã biết cách tìm ra các mạch nước ngầm ngọt rất giỏi.Nước giếng Bá Lễ là một ví dụ-Nước giếng được coi là trong mát và ngon ngọt quanh năm(Có một giả thuyết khác nói đây là giếng Chăm,được người Minh Hương tiếp thu và cải tạo).Nghe nói có chừng khoảng 80 giếng cổ còn sót lại.Nguồn nước là quý hiếm nên mỗi cái giếng đều có vị thần cai quản được thờ.Từ nước giếng này trộn với bột gạo thơm dẻo và tro từ Cù lao chàm mới làm ra sợi Cao lầu dai dẻo mà nơi khác không thể làm được(Món ăn này có thể là huyền thoại giao lưu của ẩm thực Nhật Hoa Chăm).Một thùng nước 20 lít nước giếng được đem tới tận nhà với giá từ 2-5 ngàn đồng!
Lần này đi Hội An hoàn toàn ngẫu hứng.Ngồi ngắm sông Hàn buổi sớm đầy sương mù trong cái mát lạnh như Đà Lạt.Nắng lên ấm áp thì nổi hứng đeo ba lô vọt lên xe buýt gần Khách sạn để đến Hội An với giá 15 ngàn đồng.Mất 1 tiếng thì tới bến xe Hội An.Thấy mấy anh xe ôm chào đón với giá 20 ngàn chở đến chợ.Chẳng trả giá đi luôn.Đến cầu Cẩm Nam thì xuống,tìm khách sạn ven sông ở đường Phan Bội Châu với giá 450 ngàn.Khách sạn mới,tiện nghi.Phòng tuy nhỏ nhưng rất sang trọng.Sau đó lang thang phố cổ trong cái lành lạnh chừng 20 độ trong nắng ấm.Không có gì tuyệt hơn.Cứ đụng hàng quán bình dân hay mấy gánh ven đường là nhào vô thưởng thức mỗi thứ một chút mấy món ăn dân dã.Không biết do khủng hoảng kinh tế hay vì lý do nào khác mà thấy phố có vẻ vắng hơn năm ngoái vào dịp trước tết.
Mấy cô gái bán quán thấy bộ dạng của mình cứ tưởng dân du lịch từ nước Đông Á nào đó nên niềm nở chào bằng tiếng Anh.Biết là người Việt thì đổi thái độ ngay.Dạo phố mỏi gối rồi cũng phải dừng chân làm vài ly bia,kêu món vịt quay mà làm giống như cari ăn với bánh mì.Nhìn nước sông Hoài đục,rác thải trôi lênh bềnh mà thấy tiếc.Thấy nhiều người xả rác vô tư,giặt quần áo mấp mé sông làm mất mỹ quan quá.Hội An tuy có đẹp hơn,cảnh quan cũng được tu chỉnh,hồn phố vẫn còn nhưng tính thương mại lấn át gây cảm giác trùng lắp,nhàn nhạt,mau chán.Đã từng đi dạo phố cổ của Nhật.Hồn xưa của phố thấm đượm trong không gian,thời gian như ngưng đọng trong kiến trúc,trang phục và cả lề thói.Không thể đòi hỏi gì hơn với Hội An khi dân mình còn nghèo,còn phải mưu sinh vất vả!(còn  viết tiếp)

Không có nhận xét nào: