HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Tư duy nhiệm kỳ.

Đây là đoạn trích từ bài viết của tác giả Trần Trọng Thức.Chuyện này thì ai làm ăn dính tới cơ quan công quyền điều biết.Thực trạng này chứng tỏ VN chưa có bộ máy hành chính chuyên nghiệp họat động độc lập với bộ máy quyền lực chính trị.Hiệu năng của nhà nước ở mức độ thấp và trì trệ gây cản trở đến sự phát triển.Nhìn qua nước Nhật là hiểu.Bộ máy hành chính rất ổn định dù thủ tướng và chính phủ liên tục thay đổi.Luật pháp là tối cao.Chế tài nghiêm khắc.Nếu những việc như thế này không giải quyết rốt ráo thì đừng mơ một viễn cảnh xa vời từ các báo cáo chính trị.

Lâu nay đã có không biết bao nhiêu lời than phiền không chỉ của doanh nghiệp mà ngay cả vài vị lãnh đạo trong chính phủ cũng phải công khai thừa nhận rằng cứ gần đến mùa đại hội đảng, bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân... thì "thời tiết chính trị" nóng dần lên, hầu như nhiều hoạt động trong đời sống kinh tế xã hội bị chậm lại do sự trì trệ của các cơ quan quản lý, ảnh hưởng không ít đến chuyện làm ăn của người dân và doanh nghiệp.

Đây là một trong những căn bệnh xuất phát từ tư duy nhiệm kỳ. Hầu hết những người có chức có quyền đều thấy để cho tình hình làm ăn ngưng trệ như vậy là quá tệ nhưng mấy ai thoát được tập quán ấy.

Phải chăng vào thời điểm kết thúc nhiệm kỳ để bắt đầu cuộc chạy đua tìm quyền hành, dường như có một rào cản vô hình nào đó khiến rất nhiều quan chức chùn tay khi đặt bút ký một quyết định, dù đó là một quyết định đúng đắn nhất.

Có thể nhìn thực trạng này qua một vài hiện tượng.

Trước tiên, với các vị cho dù biết chắc chắn mình sẽ được "cơ cấu lại" thì vẫn có tâm lý thủ thế. Vội vàng chi việc ký giấy phép cho dự án này, chương trình nọ, bởi một sơ suất nhỏ có khi mất ghế như chơi, bởi biết đâu ai đó đang lăm le vị trí của mình và đang chờ một cơ hội để ra tay. Các cấp quản lý có sự liên thông trách nhiệm, giữ an toàn cho mình cũng là an toàn của bên trên lẫn bên dưới, vậy thì dè dặt cân nhắc lúc này cũng đúng thôi.

Những vị đang vận động và kỳ vọng vào một vị trí cao hơn thì lại càng án binh bất động, chờ sau bầu cử, mọi chuyện yên ổn rồi thì có muộn màng gì đâu chuyện quyền và lợi, lúc này mà sơ sẩy một chút là hư chuyện.

Không chỉ những người có chức có quyền mà ngay doanh nghiệp cũng có những tính toán. Một doanh nhân kinh doanh bất động sản có tầm cỡ lâu nay đã quá quen với chuyện chạy chọt vậy mà giờ đây cũng phải dè dặt trong chuyện chung chi. Bởi có thể "đường dây" làm ăn sắp tới sẽ có sự đổi thay. Trong khi chưa biết chỗ dựa lưng của mình liệu còn đứng vững hay không thì chung chi lúc này có khi mất cả chì lẫn chài, thiệt hại trăm bề khó lường được. Thôi thì hay nhất là kiên nhẫn chờ, sau mùa đại hội mọi chuyện đâu vào đấy, tái lập hoặc tìm được đầu mối mới hẵng hay.

Nói cho công bằng thì làm ăn mùa đại hội không chỉ toàn chuyện khó khăn. Có biết bao doanh nghiệp hưởng lợi từ sự ưu ái của những quan tham sắp bước ra khỏi "vũ đài chính trị". Tâm lý vét chuyến tàu cuối giúp cho cả hai bên cùng có lợi.

Qua mùa đại hội, đến giữa năm sau cả nước lại vào cuộc bầu cử quốc hội. Người bi quan thì lo ngại liệu sự trì trệ trong làm ăn có lập lại và kéo dài nữa hay không. Với người lạc quan thì bảo chuyện không có gì phải ầm ỉ, những năm có bầu bán thì các báo cáo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cho thấy chẳng có gì sa sút cả, thậm chí... năm sau còn tăng hơn năm trước!

Suy cho cùng, tình trạng trì trệ trong làm ăn vào những mùa bầu cử chẳng qua là do chúng ta chưa có bộ máy hành chính chuyên nghiệp họat động độc lập với bộ máy quyền lực chính trị.

(Trần Trọng Thức)

2 nhận xét:

Thuy Dam Minh nói...

Bài này hay, và rất chí lý!

QUANG DONG nói...

Sự minh bạch,chiến lược rõ ràng có lợi cho sự phát triển chứ không phụ thuộc ai lên,ai xuống!