HOME PAGE

Người kết nối

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Lãng tử Julian Assange-Một mình chống lại các chính phủ!

Năm 2006, Julian Assange tự nhốt mình trong một căn nhà gần Trường Đại học Melbourne để xây dựng trang web WikiLeaks

Chiếc giường ngủ của Julian đặt ngay trong phòng bếp cho tiện. Anh viết hàng đống sơ đồ của hệ thống trên tường, trên cửa để lúc nào cũng nhìn thấy cho khỏi quên. Julian mời  sinh viên của trường đại học ở lại đêm giúp anh xây dựng trang web WikiLeaks. Một trong số sinh viên đó kể lại: "Julian hầu như không ngủ cũng không ăn uống".
WikiLeaks được xây dựng theo một mô hình  cực kỳ phức tạp, có khả năng bảo mật tài liệu hữu hiệu hơn bất cứ hệ thống mạng nào của ngành ngân hàng gấp nhiều lần, theo lời kể của Julian Assange với nhà báo Raffi Khatchadourian của tờ The New Yorker.
WikiLeaks, theo Julian, là một dạng báo chí mới, mang tính khoa học và minh bạch. Sứ mệnh của WikiLeaks là chống bất công. Julian Assange  cổ súy một  "phong trào xã hội" tiết lộ các bí mật "có thể lật đổ những chính quyền tồn tại bằng cách che giấu sự thật, kể cả chính quyền Mỹ”.

Người của bí ẩn
WikiLeaks không giống một tổ chức truyền thông theo kiểu truyền thống. Nó không có nhân viên ăn lương, không có máy photocopy, không có bàn làm việc, không có ban phòng. Nó tiếp nhận các tài liệu bí mật từ những người cùng chung chí hướng với Julian Assange: Chống lại bất minh và bất công. WikiLeaks không bao giờ tiết lộ nguồn thông tin mà nó cung cấp trên mạng.
Bản thân Julian cũng không có nhà. Anh di chuyển từ nước này sang nước khác, ở đậu nhà bạn, nhà bạn của bạn, nhà cảm tình viên. Có những lúc, Julian sống ở các sân bay quốc tế.
Hành tung của Julian rất bí ẩn. Julian giới thiệu WikiLeaks lần đầu tại Diễn đàn Xã hội Thế giới, một hội nghị chống chủ nghĩa tư bản,  tổ chức tại Kenya cuối năm 2006.
  
Sau đó, anh lưu lại Kenya vài tháng. Trong thời gian này, Julian  thỉnh thoảng liên hệ với bạn bè qua điện thoại di động hoặc mạng internet nhưng không bao giờ cho biết đích xác đang ở đâu.
 
Có hàng trăm người tình nguyện trên thế giới làm việc bán thời gian cho WikiLeaks, giúp bộ máy vô cùng phức tạp của nó hoạt động 24/24 giờ. Chỉ có năm ba người làm việc thường trực cho nó.
 
Để giữ bí mật, cán bộ chủ chốt của WikiLeaks chỉ được biết đến bằng âm đầu của tên, ví dụ ông M. bà C. Những người này, kể cả Julian Assange liên lạc với nhau qua dịch vụ chat mã hóa trực tuyến.
 
Kế hoạch B
 
Sáng 30-3-2010, một người Úc cao lớn tự xưng là Julian Paul Assange đến một ngôi nhà cổ nhỏ nằm trên đường Grettisgata, ở Reyjavik, thủ đô nước Cộng hòa Iceland, hỏi thuê.
 
Đi chung với người khách lạ có vài người bản xứ. Julian tự giới thiệu với chủ nhà: "Chúng tôi là nhà báo đến đây để viết về vụ núi lửa Eyjafjallajokull phun trào". Sau khi chủ giao nhà, Julian nhanh chóng kéo rèm kín mít tất cả cửa sổ, đêm hay ngày gì cũng vậy.
 
Ngôi nhà biến thành một phòng tác chiến. Julian gọi nó là hầm trú ẩn. Hầm có chừng nửa chục máy vi tính. Dưới sự chỉ đạo của Julian, các nhà hoạt động bản xứ làm việc không nghỉ. Mục tiêu của họ là xuất bản Kế hoạch B.
 
Đó là mật danh của một cuộn băng video được xếp hạng tài liệu mật dài 39 phút quay từ buồng lái trực thăng Apache của Mỹ tác chiến ở Baghdad, Iraq, ngày 12-7-2007. Cuộn băng mô tả lính Mỹ ba đợt bắn phá bừa bãi vào các mục tiêu dân sự, trong đó có hai vụ giết chết ít nhất 10  thường dân  và 2 phóng viên hãng tin Reuters.
Cuộn băng miêu tả sự tàn ác và không minh bạch của chiến tranh hiện đại mà Mỹ tiến hành ở Iraq và Afghanistan. Julian dự định trình bày Kế hoạch B trước một nhóm nhà báo tại CLB Báo chí Quốc gia ở Washington ngày 5-4-2010 với tên gọi "Sự kiện 2007". Để thực hiện ý định này, Julian và các đồng sự phân tích rất kỹ cuộn băng gốc, biên tập nó thành một cuốn phim ngắn dài 17 phút, mở một chiến dịch báo chí, chuẩn bị tài liệu. Tất cả được thực hiện trong vòng chưa đến một tuần. Cả cuộn băng gốc dài 39 phút và cuộn băng ngắn hơn đã biên tập đều được tung lên mạng, tạo một cơn sốc cho Bộ Quốc phòng và chính quyền Mỹ.
 
Thay đổi thông tin báo chí
 
Julian Assange  muốn khi tung cuộn băng (và các tài liệu mật khác) lên mạng, sẽ không có cách gì gỡ nó xuống. Anh rất tự tin khi tuyên bố: "Chính phủ hay công ty nào muốn gỡ nó xuống thì chỉ có cách phế bỏ internet". Julian cho biết nội dung cuộn băng được lưu giữ trong hơn 20 máy chủ khắp thế giới, sử dụng hàng trăm tên miền. Chi phí thuê mướn máy chủ lấy từ nguồn tài trợ của ủng hộ viên và của một số chiến hữu.
 
WikiLeaks  không sợ bị kiện. Các luật gia đại diện cho ngân hàng Anh Northern Rock từng dọa khởi kiện khi  WikiLeaks tiết lộ một văn bản nội bộ gây bối rối cho lãnh đạo ngân hàng này và cuối cùng gần như  phải năn nỉ WikiLeaks tha cho.
 
Một chính khách Kenya cũng dọa kiện sau khi WikiLeaks tiết lộ một báo cáo mật cho thấy tổng thống nước này  Daniel Arap Moi và những người cùng cánh rút ruột ngân sách nhà nước tuồn ra nước ngoài hàng tỉ USD. Kết quả, WikiLeaks được Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Anh trao giải thưởng báo chí
 
Sau "Sự kiện 2007", WikiLeaks tiếp tục tung ra tiếp "Nhật ký chiến tranh Afghanistan" bao gồm 76.900 tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 7 và "Nhật ký chiến tranh Iraq" với 400.000 tài liệu mật hồi tháng 10 vừa qua.
 
Kể từ ngày 28-11, WikiLeaks bắt đầu rò rỉ nhỏ giọt tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Julian nói lên đến hàng trăm ngàn, một sự kiện được mô tả như một vụ khủng bố 11-9 ngành ngoại giao thế giới.
 
Nhật báo New York Daily News gọi WikiLeaks là "một trang web có thể hoàn toàn làm thay đổi thông tin báo chí”. 
                                                              (Thảo Hương-NLĐ)

5 nhận xét:

Unknown nói...

WikiLeaks vô VN là tha hồ mà phanh phui!

QUANG DONG nói...

Ai đây ta?

Titi nói...

Ồ, cám ơn bác đã bốt cái này. Em tìm mãi mà hong đầy đủ và cô gọn đc thế :-)

Unknown nói...

Ko lẽ anh ko nhận ra ai sao? -)

QUANG DONG nói...

Không xem được Hồ Sơ thì biết là ai?Song cũng đoán ra nhưng không chắc chắn!:D